Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 54
  • Hôm nay: 2733
  • Trong tuần: 8374
  • Tất cả: 1907705
ĐỀ MỞ VÀ CÁCH LUYỆN TẬP VIẾT BÀI VĂN THEO ĐỀ MỞ
Đề văn truyền thống đã tạo ra hệ lụy bài mẫu tràn ngập ở sách tham khảo, trên mạng internet, trong tài liệu ôn tập của thầy cô nên học sinh (HS) đã hình thành một phương pháp học tập không đúng: học và ôn tập không từ tác phẩm văn học, từ Sách giáo khoa mà từ bài mẫu.

ÔN THI TỐT NGHIỆP THPT, ĐẠIHỌC, CAO ĐẲNG

ĐỀ MỞ VÀ CÁCH LUYỆN TẬP VIẾTBÀI VĂN THEO ĐỀ MỞ

1. Đề mở - Một hình thức rèn luyện năng lực sáng tạo

Đề văn truyền thống đã tạo ra hệ lụy bài mẫu tràn ngập ở sách tham khảo, trên mạng internet, trong tài liệu ôn tập của thầy cô nên học sinh (HS) đã hình thành một phương pháp học tập không đúng: học và ôn tập không từ tác phẩm văn học, từ Sách giáo khoa mà từ bài mẫu.

Gần đây, trong các kì thi tốt nghiệp THPT, Đại học, Cao đẳng việc ra những đề văn mở đã khá phổ biến, kích thích được suy nghĩ độc lập, độc đáo và sáng tạo của học sinh.

Vậy thế nào là một đề mở? Chúng tôi quan niệm đó là loại đề chỉ nêu vấn đề cần bàn luận trong bài nghị luận hoặc chỉ nêu đề tài đề viết văn tự sự, miêu tả…không nêu mệnh lệnh gì về thao tác lập luận như kiểu hãy chứng minh, phân tích…hoặc phương thức biểu đạt như: hãy kể, hãy phát biểu cảm nghĩ…Đề mở khác với loại đề có đầy đủ yếu tố, từ lời dẫn đến yêu cầu về thao tác cụ thể, có thể gọi đây là đề“đóng”, đề “khép kín”.

Đề mở không phải là dạng đề hoàn toàn mới mẻ. Sau đây là một số đề văn mở ở một số nước.

Một số đề văn thi vào đại học của Trung Quốc năm 2006

Đề 1. Viết một bài văn với tiêu đề: “Một nét chấm phá về Bắc Kinh”. (Đề thi của thành phố Bắc Kinh)

Đề 2. Viết một bài văn với chủ đề: “Tôi muốn nắm chặt tay bạn”. (Đề thi của thành phố Thượng Hải)

Đề 4. Lấy đôi vai làm chủ đề để viết một bài văn 800 chữ. (Đề thi của tỉnh Liêu Ninh)

Một số đề văn của Mĩ

Đề 1. Tổng thống Mĩ Barack Obama và Bill Clinton.

Đề 3. Có phải con người trở nên phụ thuộc vào công nghệ?

Có thể thấy,điểm chung khá thống nhất của các đề văn trên đây là chỉ nêu lên một đề tài,một vấn đề để người viết bàn luận và làm sáng tỏ. Tùy vào nội dung vấn đề, đề tài đó mà người viết lựa chọn và quyết định các thao tác nghị luận nào cho phù hợp. Nhìn chung là phải vận dụng nhiều thao tác trong một bài viết. Rất ít thấy những đề nêu yêu cầu về kiểu bài hoặc thao tác lập luận. Đấy chính là dạng đề mở theo quan niệm ở trên.

2. Cách luyện tập viết bài văn theo đề mở

2.1. Tìm ý

Trước hết cần nhấn mạnh ý ở đây là ý của đề bài đặt ra chứ không phải ý của tác phẩm được phân tích. Tất nhiên, có khi ý của đề trùng với ý của tác phẩm được phân tích.Đó là khi đề yêu cầu phân tích, bình giảng một tác phẩm độc lập, cụ thể nào đó.Ví dụ: “Vẻ đẹp của truyện ngắn Hai đứa trẻ (Thạch Lam)”, thì ý của đề gần như trùng với ý của tác phẩm được phân tích. Cũng là truyện ngắn trên, nhưng với đề: “Bóng tối và ánh sáng trong thiên truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam”,thì ý của đề lại khác và do vậy cách xây dựng luận điểm cũng như cách phân tích lập luận cho hai đề là rất khác nhau.

Để tìm được ý cho một đề văn, một trong những cách tương đối có hiệu quả là người viết biết đặt ra các câu hỏi và tìm cách trả lời. Việc đặt ra các câu hỏi thực chất là biết soi sáng đối tượng dưới nhiều góc độ, biết lật đi lật lại vấn đề để tìmhiểu, xem xét cho kỹ càng và thấu đáo hơn. Ví dụ, tham khảo cách tìm ý cho một số đề văn sau: “Trái đất sẽ ra sao nếu thiếu đi màu xanh của những cánh rừng?”.

Tìm hiểu và phân tích đề văn trên, dễ dàng nhận ra vấn đề trọng tâm cần làm sáng tỏ ở đây là: vai trò to lớn của rừng đối với đời sống con người. Để tìm ý cho bài viết,có thể đặt ra các câu hỏi như:

Rừng mang lại những lợi ích gì?

Hiện nay, rừng đang bị tàn phá ra sao?

Những nguyên nhân nào khiến rừng bị tàn phá?

Những hậu quả to lớn do rừng bị tàn phá là gì?

Cần phải làm gì để cứu lấy rừng?

Những suy nghĩ và tình cảm của bản thân người viết trước cảnh rừng bị tàn phá và ước mơ về tương lai của rừng như thế nào?...

Trong mỗi câu hỏi lớn trên, có thể đặt tiếp các câu hỏi nhỏ để triển khai các ý lớn. Chẳng hạn:Để triển khai những lợi ích của rừng, có thể đặt tiếp các câu hỏi nhỏ như: Rừng mang lại ích kinh tế như thế nào? Rừng có mang lại lợi ích về văn hóa, về môi trường và sức khỏe con người không? …

2.2. Lập dàn ý

Như trên đã trình bày, có ý rồi, người viết cần biết tổ chức, sắp xếp các ý ấy thành một hệ thống nhằm làm nổi bật đối tượng, vần đề. Công việc này gọi là lập dàn ý hoặc xây dựng bố cục, kết cấu cho bài viết. Thông thường bài văn có ba phần, mỗi phần có một nhiệm vụ cụ thể.

- Mở bài: Giới thiệu đối tượng, dẫn dắt vào vấn đề trọng tâm cần làm sáng tỏ.

- Thân bài: Triển khai, cụ thể hóa đối tượng và vấn đề trọng tâm đã nêu ở mở bài bằng hệ thống ý được sắp xếp một cách hợp lý.

- Kết bài: Chốt lại vấn đề, nêu lên suy nghĩ, bài học cho bản thân.

* Lập dàn ý một số đề mở:

Đề: Nhân vật Mị trong suy nghĩ của tôi

Mở bài:

Giới thiệu khái quát về Tô Hoài và Vợ chống A Phủ, dẫn dắt vào nhân vật Mị.

Thân bài:

- Trước khi làm dâu nhà Thống lý, Mị là một cô gái xinh đẹp, trẻ trung yêu đời, tài hoa, chăm làm, hiếu thảo, có người yêu và có những ngày vui.

- Khi về làm dâu nhà Thống lý, Mị trở thành một người ở không công thật mai mỉa, phải làm việc như một cái máy vô hồn, chai sạn cảm xúc.

 -> Tội ác của cường quyền,thần quyền, phu quyền. (giá trị hiện thực)

- Tuy nhiên không vì thế mà Mị lịm tắt đi khát vọng sống. Sức sống tiềm tàng trong Mị vẫn âm ỉ cháy từ lần gặp cha định tự vẫn không thành đến đêm tình mùa xuân và đến khi cắt dây trói giải cứu A phủ cũng là tự giải cứu chính mình.

- HS phát biểu cảm nghĩ của mình về nhân vật.

Kết bài: Khẳng định tài năng Tô Hoài qua nghệ thuật xây dựng nhân vật.

Đề: Qua quá trình đi câu cá của ông lão Xantiagô trong tiểu thuyết “Ông già và biển cả” của Hê-minh-uê, anh/chị có suy nghĩ gì về thành công và thất bại trong cuộc đời.

Mở bài: Giới thiệu, dẫn dắt vào vấn đề nghị luận: Trong cuộc sống, cũng như trong tác phẩm văn học, thành công và thất bại luôn là 2 mặt của một quátrình, cùng song hành tồn tại. vậy thành công là gì? Thất bại là gì?

Thân bài

- Giới thiệu vắn tắt quá trình đi câu cá của ông lão Xantiagô.

- Giải thích

+ Thành công:

      Là một quá trình khi mục tiêu được đặt ra, những ước mơ khát vọng trong cuộc sống được hiện thực hóa.

      Thành công có khi nhờ may mắn nhưng phần lớn là nhờ vào sự cố gắng nỗ lực, rèn luyện không ngừng nghỉ của bản thân.

       Để có thành công, con người phải có lý tưởng, mục đích sống đúng đắn, có ước mơ, khát vọng và kiên trì theo đuổi đến cùng.

+ Thất bại

     Là khi mục tiêu được đặt ra, những ước mơ khát vọng trong cuộc sống không được hiện thực hóa.

      Khi gặp thất bại, con người dễ chán nản,tuyệt vọng thậm chí có những hành động tiêu cực.

- Chứng minh: phân tích những dẫn chứng trong thực tế cuộc sống để chứng minh.

- Bình luận

+ Thành công và thất bại là những điều tất yếu trong cuộc sống, không ai có thể tránh khỏi, ranh giới của nó cũng khá mong manh.

+ Thành công thực sự có ý nghĩa là khi đã có gắng, nỗ lực hết sức, kiên trì theo đuổi khát vọng đến cùng chứ không phải là nhờ người khác làm hộ hay sử dụng những thủ đoạn đê hèn.

+ Thành công hay thất bại cũng đều có những ý nghĩa tích cực của nó.Thành công giúp con người thăng hoa, tự tin hơn trong cuộc sống để chinh phục những tầm cao mới. Thất bại giúp con người nhận ra những hạn chế, khiếm khuyết của bản thân để khắc phục bởi “Thất bạ ilà mẹ thành công”.

+ Liên hệ đến bản thân.

Kết bài: Khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa của thành công và thất bại trong cuộc đời.

Tùy vào vấn đề, đối tượng cần thuyết phục và cách lập luận mà người viết có thể sắp xếp theo những dàn ý khác nhau. Việc sắp xếp ý cần linh hoạt nhưng cũng phải tuân thủ một số quy tắc nhất định:

- Các ý lớn phải ngang nhau và cùng làm sáng tỏ cho vấn đề trọng tâm.Các ý nhỏ phải nằm trong ý lớn và làm sáng tỏ cho ý lớn; cần trình bày ý theo một trật tự tránh trùng lặp ý.

- Có ý phải bắt buộc trình bày trước rồi mới tiếp tục trình bày các ý khác. - Cần xác định mức độ các ý cho hợp lý. Trong một bài văn, các ý không phải bao giờ cũng đồng đều và được trình bày ngang nhau. Có ý cần nêu kĩ, có ý chỉ nói qua, nói vừa đủ.

3. Một số lưu ý khi làm bài văn theo đề mở

Được "mở" đến đâu thì hợp lý?

Để xác định biên độ "mở" của một bài văn, HS cần bình tĩnh đọc thật kỹ đề và phân tích xem đối tượng cần làm là gì, giới hạn của đề ra sao, và dung lượng chữ, thời lượng làm bài như thế nào để có cách xử lý đề cho phù hợp. Có rất nhiều trường hợp hs nhầm lẫn giữa đề "đóng" và đề "mở" vì phân tích đề chưa tốt. Ví dụ như đề Văn: "Hãy nhập vai nhân vật Mị, kể lại câu chuyện Vợ chồng A Phủ"; đó là đề "đóng", hơn nữa còn"khóa" rất nhiều lớp vì giáo viên đã xác định luôn nhân vật phải nhập vai là gì, và đòi hỏi các bạn phải nắm được cốt truyện để kể cho chính xác.

Nếu đổi lại thành: "Em hãy chọn một nhân vật mà em thích, hóa thân thành nhân vật đó và kể lại câu chuyện Vợ chồng A Phủ để nêu bật sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị"thì lại là một đề bài "mở" về vai trần thuật, hs được tự do lựa chọn nhân vật mà các em muốn và kể lại câu chuyện từ điểm nhìn của nhân vật đó. Dù có "mở" đến đâu thì HS cũng luôn phải xác định được rằng câu chuyện muốn nêu lên vấn đề cụ thể gì và hướng người đọc đến những giá trị tốt đẹp gì.Như chuyện Vợ chồng A Phủ thì để lại trong lòng người đọc vẻ đẹp của lòng nhân đạo, tình yêu thương đồng cảm sâu sắc với những kiếp người nghèo khổ. Qua nhân vật Mị, nhà văn đã thể hiện được vẻ đẹp, sức sống tiềm tàng mãnh liệt của người phụ nữ miền núi nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.

Tránh sáng tạo vô bờ bến

Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 tập 1,chương trình chuẩn có đề: Sau khi tự tử ở giếng Loa Thành, xuống thủy cung, Trọng Thủy đã tìm gặp lại Mỵ Châu. Hãy tưởng tượng và kể lại câu chuyện đó.

Có em tưởng tượng Trọng Thuỷ xin lỗi Mỵ Châu và được tha thứ theo đạo lý của dân tộc “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. Rồi hai người đoàn tụ, sinh ra một bé gái, một bé trai.

Họ đặt tên con gái là Âu, con trai là Lạc để nhớ chuyện nước Âu Lạc đã bị mất vì sai lầm ngày trước... Với loại đề bài yêu cầu học sinh phát huy trí tưởng tượng đã dẫn đến nhiều “sáng tạo” thái quá.

Muốn làm tốt một đề "mở", cần phải chuẩn bị những gì?

Dù là đề có theo hướng mở hay không thì việc đầu tiên là HS phải đọc kĩ đề. Các đề bài "mở" đòi hỏi hs phải có khả năng bao quát kiến thức mọi mặt của đời sống. Do vậy, hs phải đọc nhiều từ sách, báo,tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu mới có thể đủ lý lẽ để bảo vệ cho quan điểm của mình.

Trong một bài văn nghị luận nói chung, hs nên xem xét vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, có hệ thống ý lô-gic, mới mẻ và diễn đạt tốt. Riêng với đề hướng mở, hs cần thể hiện chính kiến, bộc lộ cá tính, tình cảm, thái độ, quan điểm riêng của mình.

Học sinh cần đạt những yêu cầu gì?

Một đề bài "mở" phải đi kèm với một đáp án cũng "mở". Tuy nhiên, hs cũng phải chú ý những yêu cầu sau:

- Thể hiện được kỹ năng làm một bài nghị luận: đảm bảo đủ các thao tác cơ bản lý giải - chứng minh - bình luận.

- Tự tin thể hiện ý tưởng của mình từ quan sát thực tế đến nhận định và kiến giải hợp lý.
           - Với dạng bài hóa thân thành nhân vật, học sinh phải thể hiện được những diễn biến tình cảm, tâm lý của nhân vật.

- Đảm bảo được tính hướng thiện của văn học.

                                   Đặng Quang Sơn – GV THPT chuyên Lê Quý Đôn