Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 184
  • Trong tuần: 2096
  • Tất cả: 331497
QUY CHẾ Văn hóa Trường THPT Nguyễn Du

QUY CHẾ

Văn hóa Trường THPT Nguyễn Du
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09 /QĐ-NG  ngày  07  tháng 02 năm 2020

của Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du)

SỞ GD – ĐT NINH THUẬN

TRƯỜNG THPT NGUYỄN DU

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                

 

QUY CHẾ

Văn hóa Trường THPT Nguyễn Du
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09 /QĐ-NG  ngày  07  tháng 02 năm 2020

của Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du)   

 

Chương I:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

           1. Quy chế này quy định cách bài trí, sắp xếp, hình thức tổ chức của Trường THPT Nguyễn Du làm cho nhà trường xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại để giáo dục học sinh.   

           2. Quy chế này quy định việc thực hiện văn hóa công sở của Trường THPT Nguyễn Du về trang phục, giao tiếp, ứng xử của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong thời gian công tác, học tập và rèn luyện nhằm thiết lập và duy trì kỷ cương trường học, để nâng cao hiệu quả giáo dục;

           3. Việc thực hiện Quy chế này cũng là căn cứ để đánh giá, phân loại, khen thưởng và kỷ luật cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

           Điều 2. Nguyên tắc

Các quy định của Quy chế phải phù hợp với truyền thống, văn hóa dân tộc Việt Nam, định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh hiện đại và phù hợp với văn hóa và điều kiện kinh tế tại địa phương.       

           Điều 3. Phạm vi áp dụng

           1. Quy chế này áp dụng đối với Trường THPT Nguyễn Du;

           2.Quy chế này được áp dụng đối với toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Du.

Chương II:

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC,

 VIÊN CHỨC VÀ NHÂN VIÊN

Điều 4. Chế độ làm việc

1. Quy định về thời gian làm việc: có mặt đúng giờ; không làm việc riêng trong giờ hành chính; đảm bảo đủ ngày công làm việc.

2. Cán bộ, giáo viên và nhân viên phải có ý thức làm việc nghiêm túc, đoàn kết, thân thiện, có chất lượng, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến thành viên khác.

3. Cán bộ, giáo viên, nhân viên phải tham gia sinh hoạt định kỳ theo quy định, tạo điều kiện để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi, giúp nhau cùng tiến bộ.

4. Trong quá trình công tác cán bộ, giáo viên và nhân viên phải thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

5. Các tổ trưởng, trưởng các tổ chức, đoàn thể phải xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể, động viên, giúp đỡ, hỗ trợ để cán bộ, giáo viên và nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng nếu để xảy ra những trường hợp vi phạm kỷ luật.

           Điều 5. Quy định về chế độ thông tin và báo cáo

Các bộ phận trong nhà trường phải thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định, đảm bảo phản ảnh đầy đủ, chính xác các hoạt động cho Hiệu trưởng nhà trường.

Điều 6. Quy định về xưng hô trong giao tiếp, trang phục, lễ phục

  1. Xưng hô trong giao tiếp:

-  Đối với đồng nghiêp: xưng hô thầy giáo, cô giáo;

-  Đối với học sinh: xưng hô con, em;

-  Đối với nhân dân xưng hô lễ phép, thân thiện…

2. Trang phục:

a) Trang phục gọn gàng, lịch sự đúng quy định.

b) Đi giày hoặc dép có quai hậu.

3. Lễ phục:

a) Lễ phục của cán bộ, giáo viên và nhân viên là trang phục chính thức được sử dụng trong những buổi lễ, các kỳ Đại hội, các cuộc họp trọng thể.

b) Lễ phục của nam cán bộ, giáo viên và nhân viên là Comple. Lễ phục của nữ cán bộ, giáo viên và nhân viên là áo dài truyền thống hoặc vest công sở.

           Điều 7. Sắp xếp và bài trí nhà trường, nơi làm việc

           1. Treo Quốc kỳ:

           a) Quốc kỳ được treo trang trọng tại vị trí theo quy định và phải được thường xuyên kiểm tra thay thế khi cũ, rách.

           b) Hàng năm, thực hiện treo cờ, băng rôn khẩu hiệu tại vị trí đã được quy định trong các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm theo quy định và phải có nội dung tuyên truyền, giáo dục phục vụ tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

           2. Treo ảnh, đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh:

           Treo ảnh hoặc đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở hội trường, phòng tiếp khách phải thể hiện trang trọng, phù hợp, đúng quy định.

           3. Biển tên:

           Phòng làm việc của các cán bộ quản lý và trưởng các đoàn thể phải ghi rõ họ tên, chức danh, chức vụ của từng người, được đặt tại bàn làm việc. Mỗi phòng làm việc và phòng học phải có bảng tên đặt đúng nơi quy định.

           4. Bài trí phòng làm việc của lãnh đạo và các tổ, các bộ phận trong đơn vị:

           a) Cách bố trí bàn làm việc, hồ sơ lưu trữ, tài liệu tham khảo, trang thiết bị,… của từng cán bộ, giáo viên và nhân viên trong nhà trường phải khoa học, gọn gàng  theo quy định.

           b) Cán bộ, giáo viên và nhân viên phải có trách nhiệm sắp xếp tài liệu, hồ sơ đảm bảo khoa học, ngăn nắp và an toàn.

           Điều 8. Công tác vệ sinh và bảo đảm an toàn

           a) Phân công bảo vệ trực trường 24/24 giờ, đảm bảo an toàn tuyệt đối mọi thời điểm.

           b) Cán bộ phụ trách các bộ phận trong trường có trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở công tác quản lý, sử dụng các thiết bị và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, biện pháp phòng cháy, chữa cháy.

           c) Cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có trách nhiệm làm vệ sinh phòng làm việc, phòng họp, phòng học, khuôn viên nhà trường, công trình vệ sinh hàng ngày theo vị trí được phân công.

           d) Cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh phải có ý thức, có trách nhiệm giữ vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục của nhà trường.

           Điều 9. Nội quy ra, vào trường, tiếp khách và phương tiện giao thông

           1. Nội quy ra, vào nhà trường:

           a) Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và nhân dân ra, vào nhà trường phải thực hiện đúng quy định.

           b) Khách đến liên hệ công tác với nhà trường phải có nội dung cụ thể, rõ ràng và phải tuân theo sự hướng dẫn của nhân viên  bảo vệ và viên chức văn phòng, không được tự tiện vào các phòng làm việc.

           2. Tiếp khách:

           a) Cán bộ, giáo viên và nhân viên làm việc tại nhà trường không được tùy tiện đưa khách hoặc người nhà vào nhà trường.

           b) Trường hợp có khách đến liên hệ công tác cần hướng dẫn khách chấp hành nội quy nhà trường; không để khách làm ảnh hưởng đến các hoạt động của cán bộ, giáo viên và nhân viên khác trong nhà trường.

           3. Quản lý phương tiện giao thông:

           a) Đối với cán bộ, giáo viên và nhân viên: có trách nhiệm để xe đúng nơi quy định, sắp xếp xe một cách trật tự, ngăn nắp theo nguyên tắc xe đến trước để xe ở vị trí thích hợp, tạo điều kiện cho người đến sau có nơi để xe.

           b) Đối với khách: Bố trí và quy định chỗ để xe của khách khoa học, hợp lý. Trong các dịp lễ, Đại hội, Hội nghị tại trường,… nhân viên bảo vệ phải bố trí, điều hành chỗ để xe và bảo vệ xe an toàn.

           Điều 10. Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, giáo viên và nhân viên

           1. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Việt Nam XHCN;

           2. Không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng công vụ;

           3. Tận tuỵ, trung thực, minh bạch và hiệu quả đối với công việc được giao;

           4. Tôn trọng, thân thiện, có trách nhiệm trong giao tiếp;

           5. Gương mẫu, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương;

           6. Đoàn kết, hợp tác, quan hệ đúng mực với đồng nghiệp và học siinh.

           Điều 11. Quy định về  giao tiếp, ứng xử

           1. Giao tiếp với tổ chức, cá nhân đến giao dịch, làm việc:

           a) Khi chào hỏi, xưng hô, đối với tổ chức, cá nhân đến giao dịch, làm việc phải thể hiện văn minh lịch sự, nhã nhặn, thân thiện, hướng dẫn tận tình; không được có thái độ cửa quyền, sách nhiễu, vô trách nhiệm, vô cảm trong khi thực hiện công vụ được giao.

           b) Khi trực tiếp giao dịch với phụ huynh (nhân dân) cần xưng tên, chức danh trước khi làm việc. Lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh (nhân dân); giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể những điều phụ huynh (nhân dân) cần biết.

           c) Có thái độ lịch sự, tôn trọng, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc, không quát nạt, nói tiếng lóng; không nói tục; phải gần gũi, trả lời có trách nhiệm những yêu cầu chính đáng của phụ huynh (nhân dân).

           2. Giao tiếp với đồng nghiệp:

           a) Phải lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp; công bằng, vô tư, khách quan khi nhận xét, đánh giá đồng nghiệp.

           b) Phải thể hiện đúng mực, thái độ chân tình, tinh thần đoàn kết, phối hợp trong công việc trên tinh thần đồng nghiệp, sẵn sàng chia sẻ khi gặp khó khăn.

           3. Giao tiếp với cán bộ cấp trên:

           Cán bộ, giáo viên và nhân viên khi chào hỏi, xưng hô với cấp trên phải thể hiện sự tôn trọng, đúng mực.

           4. Giao tiếp với học sinh:

           Cán bộ, giáo viên và nhân viên của nhà trường khi giao tiếp với học sinh phải thân thiện, mô phạm.

           5. Sử dụng và giao tiếp qua điện thoại:

           a) Khi giao tiếp qua điện thoại công phải xưng tên, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn, đảm bảo thông tin tập trung vào nội dung công việc.

           b) Trong các cuộc họp, hội nghị cán bộ, giáo viên và nhân viên phải tắt máy điện thoại di động hoặc để máy ở chế độ im lặng, khi trao đổi điện thoại phải ra ngoài phòng họp, âm lượng không được làm ảnh hưởng đến cuộc họp.

           6. Ứng xử trong hội họp, nơi đông người:

           a) Cán bộ, giáo viên và nhân viên khi tham dự họp phải nghiên cứu tài liệu đã nhận được (nếu có), đến trước tối thiểu 15 phút trước khi bắt đầu cuộc họp.

           b) Công tác chuẩn bị, đảm bảo hậu cần, phối hợp tổ chức cuộc họp thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước.

           c) Thực hiện tốt quy tắc ứng xử văn hóa hội họp, thể hiện sự tôn trọng đối với người đang phát biểu, không làm việc riêng, không nói chen khi chưa được phép của người chủ trì; không bỏ về khi cuộc họp chưa kết thúc.

           Điều 12. Quy định về tổ chức các ngày lễ và hoạt động tập thể

           1. Các ngày lễ, ngày truyền thống của dân tộc, của ngành và địa phương:    

           Thực hiện theo quy định của Luật giáo dục và Bộ luật lao động.

           2. Tổ chức hoạt động tập thể (văn nghệ, thể dục, thể thao và các hoạt động ngoại khóa khác):

           a) Tổ chức các hoạt động tập thể nhân các sự kiện, ngày lễ cần có sự phối hợp thực hiện giữa các tổ chức (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Ban đại diện CMHS) phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, đảm bảo nguyên tắc trang trọng, tiết kiệm.

           b) Cán bộ, giáo viên và nhân viên phải có ý thức tham gia tích cực, nhiệt tình, chấp hành nghiêm túc khi có sự điều động, trường hợp có lý do chính đáng phải báo cáo để được giải quyết, nếu nghỉ không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét, đánh giá phân loại cuối năm.

           c) Khi tổ chức hoặc tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao do ngành, hoặc địa phương tổ chức cần có kế hoạch cụ thể, được Hiệu trưởng duyệt, đảm bảo tham gia có hiệu quả.

           Điều 13. Các hành vi cấm

           1. Không hút thuốc lá khi tham gia các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

              2. Không dùng đồ uống có cồn khi tham gia các hoạt động giáo dục.

           3. Không truy cập các website không lành mạnh.

Chương III:

 NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ ĐỐI VỚI HỌC SINH      

           Điều 14. Quyền của học sinh

           1. Được đối xử bình đẳng, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, hoàn cảnh gia đình và bất kỳ yếu tố nào khác.

           2. Được yêu thương, tôn trọng danh dự, nhân phẩm.

           3. Được quyền đề xuất, kiến nghị với nhà trường về những ý kiến cá nhân, những đề xuất chính đáng đối với bản thân mình.

           4. Được học tập trong môi trường giáo dục lành mạnh, toàn diện, được bảo đảm những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn.

           5. Được cung cấp thông tin công khai, kịp thời, chính xác về việc học tập của mình.

           6. Được quyền yêu cầu nhà trường, giáo viên công khai quy trình đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật.

           7. Được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu do nhà trường tổ chức; được giáo dục kỹ năng sống.

           8. Được nhận trợ cấp, hưởng chính sách xã hội theo quy định,

          9. Được hưởng các quyền khác theo quy định trong Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

           Điều 15. Quy định về đạo đức, quy tắc ứng xử và giao tiếp

           1. Quy định về đạo đức:

           a) Học sinh phải có tinh thần yêu Tổ quốc Việt Nam, phải tôn trọng Quốc kỳ, Quốc ca Việt Nam;

           b) Kính trọng, lễ phép với thầy cô, cha mẹ và người lớn tuổi;

           c) Đoàn kết thân ái với bạn bè, không phân biệt dân tộc, giới tính;

           d) Nhường nhịn, giúp đỡ các em nhỏ, người già, người tàn tật;

           e) Có ý thức và hành động cụ thể bảo vệ môi trường;

           f) Nghiêm chỉnh chấp hành luật an toàn giao thông đường bộ.

           2. Quy định về ứng xử, giao tiếp:

           a) Học sinh phải không ngừng rèn luyện trong giao tiếp và ứng xử;

           b) Hành vi, ngôn ngữ ứng xử phải có văn hóa, phù hợp với đạo đức và lối sống của lứa tuổi;

           c) Cư xử đúng mực, thái độ thân thiện, hòa đồng, cởi mở;

           d) Khiêm tốn trong giao tiếp;

           e) Biết quan tâm, chia sẻ, hợp tác với mọi người, giúp đỡ người già yếu, trẻ em, người khuyết tật;

           f) Chịu trách nhiệm về những hành vi của bản thân;

           g) Trung thực, biết nhận lỗi, xin lỗi, biết nói cảm ơn;

           h) Nhặt được của rơi, phải trả lại cho người mất hoặc gửi lại bộ phận quản lý học sinh, Đoàn trường;

           i) Giữ gìn vệ sinh chung trong lớp, trường, nơi công cộng.

           3. Các hành vi học sinh không được làm:

           a) Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác;

           b) Nói xấu, kích động chia rẽ, gây mất đoàn kết trong lớp, trường;

           c)  Đánh nhau, kích động đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng;

           d) Lưu hành, truyền bá, sử dụng các ấn phẩm độc hại, không lành mạnh;

           e) Đưa thông tin không lành mạnh lên mạng; sử dụng internet để xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác;

           f) Tham gia hoặc kích động, lôi kéo người khác tham gia các trò chơi mang tính bạo lực, không lành mạnh và các tệ nạn xã hội;

           g) Chen lấn, chạy nhảy trên hành lang, cầu thang, lớp học;

           h) Nói tục, chửi thề, có hành vi thiếu văn hóa;

           i) Lấy cắp hoặc tự ý sử dụng đồ đạc của người khác;

           k) Mang vũ khí, chất nổ và bất kỳ hung khí nào có thể gây thương tích cho người khác;

           l) Những hành vi khác không phù hợp với các chuẩn mực chung trong cộng đồng hoặc không phù hợp với lứa tuổi;

           4. Quy định về trang phục, tác phong:

           a) Tuân thủ quy định về đồng phục của học sinh nhà trường;

           b) Đồng phục phải có phù hiệu của trường. Quần, áo phải chỉnh tề, gọn gàng;

           c) Không mang đồ trang sức, tiền bạc có giá trị đến trường;

           d) Để tóc gọn gàng và phù hợp với môi trường học đường. Học sinh nam không được để tóc dài  hay cạo trọc đầu.

           Điều 16. Quy định về học tập

           1. Quy định về giờ giấc, chuyên cần và đảm bảo chất lượng học tập:

           Để đảm bảo chất lượng học tập và rèn luyện học sinh phải:

           a) Đi học đầy đủ, nếu nghỉ học phải có giấy xin phép và giấy phép phải có xác nhận của phụ huynh.

           b) Nghỉ học 3 buổi trở lên phụ huynh phải trực tiếp gặp nhà trường nộp đơn xin phép;

           c) Đi học đúng giờ quy định;

           d) Xác định động cơ thái độ học tập đúng đắn. Rèn luyện thói quen say mê, chủ động, tự tin trong học tập, mạnh dạn khám phá kiến thức;

           e) Chú ý nghe giảng, ghi chép bài đầy đủ, chuẩn bị bài tập đầy đủ theo thời khoá biểu hoặc theo yêu cầu của giáo viên;

           f) Chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa, vở, dụng cụ học tập đầy đủ khi đến lớp;

           g) Trung thực trong kiểm tra, thi cử và có thái độ nghiêm túc trong học tập;

           h) Tham gia học nhóm, cộng tác và chia sẻ kiến thức, giúp đỡ các bạn học để cùng tiến bộ;

           i) Trong giờ học tư thế ngồi phải nghiêm chỉnh, đúng vị trí quy định theo sơ đồ lớp học.

           2. Nghiêm cấm học sinh thực hiện các hành vi:

           a) Không trung thực trong học tập, kiểm tra, thi cử;

           b) Làm việc riêng, nói chuyện, gây mất trật tự trong giờ học;

           c) Sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc hoặc bất kỳ phương tiện liên lạc, giải trí trong giờ học;

           d) Mang thức ăn, quà bánh vào trường, lớp;

           e) Ra ngoài khuôn viên trường trong giờ học, chuyển tiết;

           f) Tụ tập trước cổng trường gây mất trật tự, làm ùn tắc giao thông.

           Điều 17. Quy định về sinh hoạt

           1. Không sử dụng các chất kích thích, không tham gia các tệ nạn xã hội;

           2. Không vứt rác, viết, vẽ lên tường, bàn ghế;

           3. Chỉ được chơi thể thao ở những nơi quy định.

           Điều 18. Quy định về an ninh, trật tự và trật tự an toàn giao thông

           1. Không tàng trữ hoặc sử dụng hung khí, các chất dễ cháy nổ, các chất kích

thích, gây nghiện, tài liệu và văn hoá phẩm có nội dung không lành mạnh;

           2. Không gây gổ, kích động đánh nhau hoặc tham gia đánh nhau gây mất an ninh trật tự;

           3. Gửi xe ở những nơi quy định; không để xe ngoài trường;

           4. Không điều khiển xe gắn máy tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi;

           5. Không lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ khi điều khiển phương tiện giao thông;

           6. Không đi dàn hàng hai, hàng ba trở lên khi tham gia giao thông;

           7. Không đi bộ dưới lòng đường, không đùa nghịch khi tham gia giao thông;

           8. Không dừng xe, không tụ tập trước cổng trường làm ùn tắc giao thông;

           9. Thực hiện đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe gắn máy, xe đạp điện;

           10. Đi đúng phần đường, làn đường quy định khi tham gia giao thông;

           11. Khi qua đường phải chú ý quan sát, không làm cản trở các phương tiện giao thông;

           12. Thực hiện tốt ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông.

           Điều 19. Quy định về giữ gìn tài sản và vệ sinh môi trường

           1. Tiết kiệm điện, nước, tự bảo quản tài sản cá nhân;

           2. Thường xuyên dọn vệ sinh lớp học, hành lang sạch sẽ, gọn gàng; tham gia đầy đủ kế hoạch lao động, làm vệ sinh môi trường khi được phân công.

           Điều 20. Khen thưởng và kỷ luật

           1. Khen thưởng:

           Học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện được nhà trường và các cấp quản lý giáo dục khen thưởng bằng các hình thức sau đây:

           a) Tuyên dương trước lớp;

           b) Tuyên dương toàn trường;

           c) Khen thưởng cho HS có thành tích trong học tập và rèn luyện;

           d) Cấp giấy khen nếu đạt thành tích trong các kỳ thi, hội thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

           e)  Các hình thức khen thưởng khác.

           2. Kỷ luật: 

           Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được nhắc nhở, phối hợp với gia đình và cộng đồng để giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo quy định.

Chương IV:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

           Điều 21. Tổ chức thực hiện

           1. Nhà trường triển khai phổ biến Quy chế này đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, đồng thời đôn đốc, giúp đỡ, hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện tốt Quy chế này.

           2. Tổ trưởng có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ cán bộ, giáo viên và nhân viên thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm túc Quy chế này và hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện cho Hiệu trưởng nhà trường.

           3. Các tổ chức, đoàn thể căn cứ Quy chế này để phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc tuyên truyền, giúp đỡ, hỗ trợ các thành viên thuộc quyền quản lý chấp hành nghiêm túc Quy chế này.

           4. Việc thực hiện Quy chế văn hóa nhà trường là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại thi đua, khen thưởng cuối năm học.

           5. Cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quy chế này. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt sẽ được khen thưởng, các trường hợp vi phạm Quy chế thì tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

           Điều 22. Hiệu lực thi hành

           1. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế, nếu có nội dung nào chưa phù hợp, còn vướng mắc Hiệu trưởng nhà trường sẽ bàn bạc thống nhất với các tổ chức đoàn thể trong nhà trường để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

           2. Quy chế văn hóa này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và phổ biến tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của Trường THPT Nguyễn Du để học tập, rèn luyện, đánh giá, xếp loại, khen thưởng và kỷ luật theo quy định.

           3. Quy chế này được phổ biến đến toàn thể Cha mẹ học sinh, người giám hộ, người nuôi dưỡng và những người được ủy quyền để cùng nhà trường chăm sóc, giáo dục học sinh.

           Quy chế này được thông qua trong Hội nghị Cán bộ - Công chức - Viên chức vào đầu mỗi năm học. 

 

HIỆU TRƯỞNG

                           (đã ký)

 

 

Lê Ánh

 


Lên d?u trang